Pages

 

“Đức Thánh Trần” trong tâm thức người Việt

0 nhận xét

Tượng Đức Thánh Trần được thờ uy nghiêm tại đền


Trải qua mấy ngàn năm lịch sử đấu tranh sinh tồn, dân tộc Việt Nam đã sinh ra rất nhiều nhà chính trị, quân sự, văn hóa lỗi lạc có công với dân với nước. Tên tuổi của họ gắn liền với những trang sử hào hùng của non sông như: Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Quang Trung… Trong số đó, Trần Hưng Đạo nổi lên với tư cách một con người tài hoa đức độ, một nhân cách lớn, một thiên tài quân sự và ông đã được nhân dân “Thánh hóa” với cách gọi đầy tôn kính “Đức Thánh Trần”.
Những ngôi đền thờ Ngài được nhân dân trên cả nước lập nên để bốn mùa “hương khói phụng thờ” và Đền thờ Đức Thánh Trần tại TP.HCM là một trong những ngôi đền như vậy.
Anh hùng dân tộc - công lao bậc nhất của nhà Trần
Trong lịch sử hiển hách của nhà Trần, Trần Quốc Tuấn - nhà quân sự, nhà chính trị kiệt xuất - có vai trò đặc biệt quan trọng. Ông là con An Sinh Vương Trần Liễu và cháu ruột vua Trần Thái Tông. Từ nhỏ đã có năng khiếu văn chương và võ nghệ, lớn lên, ông có học vấn uyên bác, hiểu thấu “lục thao tam lược”. Khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần đầu (năm 1258), ông được cử cầm quân giữ biên thùy phía Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 (năm 1285) và lần thứ 3 (năm 1287), ông được cử làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân đánh giặc. Ở cương vị này, ông vừa là nhà chiến lược vạch ra đường lối tiến hành cuộc chiến tranh giữ gìn độc lập cho Tổ quốc vừa là người trực tiếp tổ chức thực hiện cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược, giành được thắng lợi lẫy lừng. Công lao to lớn này đã đưa Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lên hàng một thiên tài quân sự có tầm chiến lược và một anh hùng dân tộc công lao bậc nhất của nhà Trần. Nhân dân kính trọng, ngưỡng mộ ông đã lập đền thờ sống ông ở Vạn Kiếp. Khi mất, ông được phong tặng là Thái sư Thượng Phụ Thượng Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương. Tín ngưỡng dân gian đã đưa ông lên hàng các vị thánh - Đức Thánh Trần.
Chính với tài năng chính trị và quân sự kiệt xuất, với tấm lòng tận trung với nước, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng với quân dân nhà Trần đưa triều đại nhà Trần lên hàng những triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử các nhà nước phong kiến Việt Nam.
Đền Đức Thánh Trần - niềm tự hào của người Việt

Cô Lương Kim Phi (mặc áo dài bên trong) và lãnh đạo quận thắp hương lễ Thánh

Cô Lương Kim Phi, thành viên Ban quản trị đền, cho biết: “Đền Đức Thánh Trần được xây dựng từ năm 1920 do Hội Bắc Việt tương tế lập ra. Hồi đó, vùng Nam bộ dân cư còn thưa thớt, đất đai còn hoang vu, những người di dân vào đây mới nảy sinh ý định lập Đền thờ Đức Thánh Trần. Họ ra ngoài quê của cụ Trần Hưng Đạo rước sắc phong và tượng vào Nam để thờ phụng với mong ước giáo dưỡng tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho con cháu mai sau...”. Năm 1957, đền thờ được làm lại với quy mô to lớn và đẹp hơn. Trong đền thờ gồm chánh điện có ảnh, tượng của Đức Thánh Trần, những bức phù điêu mô tả cảnh chiến đấu chống quân Nguyên. Ngoài ra có những đồ linh khí như: Trống, chiêng bằng đồng, những võ khí thời xưa gồm thương, đao... những bức hoành phi, câu đối bằng chữ Nho nói lên công đức của Đức Thánh Trần. Nơi chánh điện treo hai câu đối lớn, viết: Vạn lĩnh thị thiên thu chi linh ứng địa, phong lôi trường hưởng kiếm minh thanh/ Đằng giang vi nhị thứ chi chiến thắng trường, tang hải bất di duy thực tích. Nghĩa là: Sông núi đất nước đáng là nơi ngàn năm thiêng liêng, sấm sét vang mãi tiếng kiếm khua/ Sông Đằng Giang hai lần chiến thắng, giang sơn đất nước không dời dấu tích đóng cọc.
Bà Đoàn Thị Thủy Tiên, Phó trưởng phòng VH-TT Q.1 - Phó ban quản trị đền, cho biết: Tọa lạc ở số 36 đường Võ Thị Sáu, (Q.1, TP.HCM), Đền Đức Thánh Trần là nơi thờ phụng Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo. Không chỉ có cảnh quan đẹp, cùng với phòng trưng bày lịch sử nhà Trần, nơi đây như một bảo tàng thu nhỏ, ghi nhớ công lao và dấu ấn lịch sử của cuộc kháng chiến ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông của nhà Trần.
Ngoài chánh điện, bên trái đền thờ có phòng trưng bày về lịch sử nhà Trần. Nơi đây trưng bày nhiều hiện vật phục chế như cọc gỗ trên sông Bạch Đằng, mô hình cuộc chiến trên sông Bạch Đằng, ghi dấu chiến thuật trận đánh trên sông Bạch Đằng giữa quân nhà Trần và quân Nguyên, lịch sử nhà Trần, ảnh Hưng Đạo Vương trên thuyền chiến, thơ vịnh Trần Hưng Đạo của Cao Bá Quát và Tịnh Lan. Đặc biệt là di huấn của Trần Hưng Đạo về 8 điều tệ của đạo làm tướng, như: 1/Lòng tham không chán; 2/ghen người hiền, ghét người tài... Phía sau gian giữa của phòng trưng bày là tấm bảng ghi lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh về công ơn của các anh hùng dân tộc. Hồ Chủ tịch viết: “Lịch sử nước ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại, chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta, chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vẻ vang thời bà Trưng, bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Chúng ta phải ghi nhớ công lao các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng...”. Đền thờ Đức Thánh Trần không chỉ là nơi tôn vinh vị anh hùng mà còn là nơi giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ ngày nay mỗi khi viếng thăm đền.
Nguyễn Thịnh - Quang Huy
Cô Lương Kim Phi, người có công và uy tín trong cộng đồng, nhất là trong việc đại trùng tu đền (hơn 30 năm là thành viên Ban quản trị), chia sẻ: Dù đã 73 tuổi, sức khỏe có giảm sút nhưng tôi luôn xác định làm tôi Thánh cho đến hết cuộc đời. Nguyện vọng của tôi cũng như những người có tâm, có công sức… là cùng chung tay, góp sức xây dựng - trùng tu đền sao cho ngày càng tôn nghiêm với tâm nguyện: Tìm về với cội nguồn cha ông để tâm hồn thanh thản, không vụ lợi. Sau một thời gian dài bị xuống cấp nghiêm trọng và cho đến tháng 2-2012 Đền được trùng tu với kinh phí gần 3 tỷ đồng, sau Tết Nguyên đán 2013, đền sẽ tiếp tục trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục khác. Ban quản trị đền tri ân các cấp lãnh đạo Q.1 và phường Tân Định, vì nhờ có sự ủng hộ, quan tâm mà Đền thờ Đức Thánh Trần ngày càng khang trang, đẹp hơn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Huyền Môn © 2011 . Supported by CKĐC