I )- Địa Tạng là Bồ Tát nào?
Bồ Tát Địa Tạng đã chứng bậc Đẳng Giác Bồ Tát từ nhiều kiếp về trước. Trước khi tu để thành Bồ Tát, Ngài đã có đại nguyện rằng: “Nếu chưa độ hết chúng sanh, tôi thề không chứng qủa Bồ Đề, và nếu chúng sinh còn khổ trong Địa ngục, tôi nguyện không thành Phật”.
Do đại nguyện ấy, Ngài được gọi là “Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát”. Do đại nguyện ấy, nên Ngài thường phân vô lượng thân để hóa độ giải thoát cho vô lượng chúng sinh thoát khổ trong Địa ngục. Trải qua vô lượng kiếp rồi, Ngài vẫn còn làm Phật sự của một vị Bồ Tát trong việc cứu khổ chúng sinh.
Phần lớn các chùa đều có thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, nơi thờ Ngài thường ở chỗ thờ các vong linh người qúa cố. Ngài có hạnh nguyện cứu khổ chúng sinh bị đọa trong ba đường dữ là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh.
II )- Đặc điểm của Bồ Tát Địa Tạng:
Hình hay tượng đức Địa Tạng, có khi ngồi kết già trên đài hoa sen, hai tay trong tư thế thiền định, trên hai tay có ngọc Như ý bảo châu. Có khi hình tượng đứng hoặc ngồi tay phải cầm Tích trượng có sáu khoen tượng trưng cứu độ chúng sinh trong lục đạo, tay trái cầm ngọc Như ý. Chân trái để trên đài hoa sen. Đầu Ngài đội mũ Hoa quang có giải mũ hai bên sau tai thòng xuống hai bên tới ngực, mũ có chóp cao ba tầng. Đặc biệt mặt Ngài có lông trắng xoáy giữa hai chân mày (Bạch hào) mà thường chư Phật mới có.
III )- Sự tích Bồ Tát Địa Tạng:
1)- Theo Kinh Địa Tạng, do đức Phật Thích Ca nói sự tích Địa Tạng khi chưa tu hành như sau:
Thời qúa khứ, tại kiếp qúa xa xôi đến nỗi không thể nghĩ bàn về thời gian, có Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương ra đời. Sau khi Phật ấy nhập diệt (nhập Niết Bàn), ở thời thờ tượng và theo giáo pháp Phật ấy, lúc đó ngài Địa Tạng chưa tu hành, là con gái dòng Bà la môn (qúy phái).
Nàng có nhiều phúc đức từ trước và hiện đời bấy giờ, nên được mọi người qúy mến nể trọng, thường được chư Thiên ủng hộ. Ngặt vì mẹ nàng tin theo tà đạo nên thường có tà kiến khinh khi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), đã không tin nhân qủa nghiệp báo, còn chê bai chính pháp.
Nàng biết mẹ mình không tin Phật pháp (Giáo lý của Phật), thường làm các việc ác, nên nàng hết lòng khuyên can để mẹ nàng làm lành tránh ác, nhưng chẳng kết qủa gì. Rồi mẹ nàng bị bệnh nặng đau đớn mà phải lìa đời.
Hết sức thương mẹ phải chịu cảnh khổ kéo dài trong đau đớn triền miên trước khi chết, nàng chỉ biết kêu trời than đất. Thương mẹ quên ăn bỏ ngủ, thân xác tiều tụy, khóc than ngày đêm. Lúc nào cũng tưởng nhớ mẹ và làm sao cứu mẹ, rồi nàng bán bớt gia tài lấy tiền ma chay chôn cất, sắm đủ thứ hương hoa đồ qúy đem đến chùa dâng cúng lễ bái.
Khi nàng vào chùa lễ lạy, thấy hình tượng Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, trông như vị phật sống, nàng nghĩ rằng: “Nếu Phật còn tại thế, ta có thể nhờ Phật chỉ mẹ ta chết sinh về đâu, bây giờ Phật đã nhập Niết Bàn rồi, chẳng biết hỏi ai được, biết làm sao bây giờ?” nghĩ thế, nàng cứ đứng nhìn tượng Phật mà khóc nức nở không thôi. Trải qua một lúc lâu như thế, tự nhiên nàng nghe có tiếng nói văng vẳng: “Thôi đừng buồn khóc nữa, Ta là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai thấy ngươi có lòng hiếu hạnh với mẹ, nên sẽ chỉ cho biết chỗ mẹ ngươi thác sinh”.
Nàng nghe mấy lời ấy, tay chân bủn rủn liền qùy phục gục đầu xuống lễ lạy Phật, miệng nói: “Con lạy Ngài, xin Ngài từ bi chỉ cho con biết chỗ thác sinh của mẹ con, chứ thân con mỏi mệt qúa chắc chết mất”. Khi ấy, lại có tiếng nói văng vẳng rằng: “Ngươi cúng dàng lễ bái Ta xong rồi, về nhà ngồi ngay thẳng yên lặng mà nghĩ danh hiệu Ta, không nghĩ chuyện gì khác, tự nhiên biết được chỗ thác sinh của mẹ ngươi”.
Nàng nghe rồi , lòng mừng vô hạn, vội lễ lạy Phật ba lạy, xong liền trở về nhà làm theo lời Phật dạy. Nàng ngồi ngay thẳng một chỗ, niệm: “Nam mô Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật”, niệm mãi như thế không ngưng nghỉ.
Nàng niệm suốt một ngày một đêm, tự nhiên mộng thấy đi đến một chỗ bờ biển, sóng nước vỗ ầm ầm tung tóe. Nàng thấy vô số ác thú xô nhảy trên mặt biển, lại thấy vô số người trồi lên chìm xuống, bị những thú dữ giành giật cắn xé ăn nuốt.
Nàng thấy phiá ngoài vô số qủy dữ hình thù dữ dằn, có qủy nhiều đầu, nhiều mắt, nhiều tay; có qủy há miệng răng dài nhọn hoắt như răng hùm beo v.v… từ các phiá lùa đuổi tội nhân cho thú dữ cắn xé ăn thịt. Thật là khủng khiếp chưa từng thấy. Nhờ sức niệm Phật kiên cố, tâm nàng không rúng động, vẫn thanh tịnh nên không sợ hãi.
Đột nhiên, có một qủy Vương từ trong đám qủy kia đến gần nàng cúi đầu mà nói: “Xin hỏi Cô Nương vì cớ gì mà đến đây?” Nàng hỏi lại để đáp: “Ngài là ai? Và chỗ này gọi là gì?” Qủy Vương đáp: “Tôi là Qủy Vương Vô Độc, chỗ này là Biển Nghiệp thứ nhất về phiá Tây núi Thiết Vi, ở giữa núi Thiết Vi có Địa ngục chính”.
Nàng nghe, sinh nghi liền hỏi: “Địa ngục là nơi nhốt người có tội, còn tôi không làm ác lại tin Tam Bảo, vì sao tôi ở đây?”. Qủy Vương Vô Độc đáp: “Những người tới đây có hai loại: Một là những vị có oai đức thần thông đến thăm người tội, hoặc tới dạo chơi cho biết Địa ngục; hai là những người có tội tới đây chịu khổ. Chỉ có hai loại ấy thôi”.
Nàng lại hỏi: “Tại sao biển này dữ qúa, lại có thú dữ ăn thịt người như thế?”. Qủy Vương đáp: “Đây là chỗ nhốt những người chết đã làm ác ở cõi trần. Lại không ai kế tự làm công đức để cứu vớt vong linh bị khốn nạn. Vì thế cho nên những kẻ làm ác chết đi chẳng có phúc thiện, phải chịu theo bản nghiệp mà chiêu cảm lấy cái khổ báo ở Địa ngục. Do đó phải tới đây trước hết, rồi mới tới các chỗ khác.
Ở phiá Đông biển này, chừng 10 vạn do tuần (10 vạn X 18 cây số = khoảng 180 vạn cây số), có một biển khác, người tội ở đó chịu cực hình khổ hơn ở đây nhiều. Đi qúa xa hơn nữa về phiá Đông còn có biển khác nữa, tội nhân còn phải chịu cực hình thảm khốc không thể kể xiết. Cả ba biển đều là Biển Nghiệp cả”.
Nàng lại hỏi: “Chỉ có Biển Nghiệp thôi sao? Còn Địa ngục ở đâu?” Qủy Vương đáp: “Nếu kể riêng thì nhiều lắm, vì sự tạo tội của mỗi người mỗi khác, nên hành tội cũng khác nhau. Như Địa ngục lớn có 18 chỗ, Địa ngục trung có 500, còn Địa ngục nhỏ có cả trăm nghìn chỗ”.
Nàng lại hỏi: “Mẹ tôi vừa chết chưa bao lâu, chẳng hay vong linh ở chỗ nào? Tôi chắc là mẹ tôi phải đọa Địa ngục, vì thường làm ác, có tà kiến, chê bai Tam Bảo. Có tính bất thường, dù mẹ tôi nghe lời khuyên tạm tin, rồi cũng quên, nên tôi muốn biết chỗ đến của mẹ tôi”.
Qủy Vương hỏi: “Tên của mẹ Cô Nương là gì?” Nàng đáp: “ Cha Tôi là Thi La Thiện Hiện, còn mẹ tôi là Duyệt Đế Lị, đều là dòng dõi Ba la môn”.
Qủy Vương nghe rồi quán sát trong giây lát và nói: “Xin Cô Nương yên tâm trở về, vì Duyệt Đế Lị vừa ra khỏi Địa ngục, sinh lên cõi Trời, là nhờ phúc của người con hiếu hạnh lập đàn tràng cúng Phật mà được như vậy. Không những mẹ Cô Nương nhờ phúc đó, được rời khỏi chỗ Địa ngục Vô gián, sinh lên cõi lành, mà còn nhiều người khác cũng được rời khỏi đến nơi tốt lành”.
Qủy Vương Vô Độc nói xong cúi đầu chào mà lui biến mất. Còn nàng tự nhiên tỉnh giấc chiêm bao, thấy lòng nhẹ nhõm, thầm cảm ân đức của Phật vạn phần và đem hương hoa tới chùa lễ lạy Phật và tự nguyện rằng : “Nay con nguyện cho đến kiếp vị lai, nếu có chúng sinh nào tạo tội chịu khổ nơi Địa ngục, bất luận là người thân hay kẻ cừu oán, con lập ra nhiều pháp môn phương tiện cứu độ cho đều được giải thoát khỏi khổ”.
2 )- Theo quyển Phật A Di Đà và chư Bồ Tát (nhiều đời sau): Thời quá khứ về vô lượng A Tăng kỳ kiếp, lúc ấy Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu và Bồ Tát Địa Tạng chưa xuất gia tu hành. Hai Ngài đều làm vua lân bang với nhau. Khi ấy hai vị Quốc vương kết thân làm bạn với nhau, rồi cùng nhau phát nguyện làm 10 điều lành. Hai Vua muốn nước mình trên dưới thuận hòa, quân thần hưởng hạnh phúc, còn chúng dân được an cư lạc nghiệp. Do đó nhân dân đội ơn vua quan nhân từ gương mẫu, bắt chước cùng nhau bỏ làm ác, nên đất nước được thái bình thịnh trị.
Trái lại, những nước khác, vua quan không có nhân nghĩa, người trên hà hiếp bóc lột kẻ dưới, sưu cao thuế nặng, đủ thứ tạp dịch. Nhân dân khổ sở lầm than, sinh ra nhiều điều xằng bậy, tham lam trộm cắp, đánh giết, thù hận, ngu si. Mở miệng nói toàn điều tà kiến, chửi bới lẫn nhau, tranh giành hơn thua, chẳng biết nhân nghĩa là gì.
Khi có ách tai bệnh hoạn, chỉ đi hỏi thầy mù rước bóng, vái ma cúng qủy, sát sinh hại vật, tạo ác gây tội chồng chất. Đã vậy lại ăn gian nói dối, không hề biết ăn chay niệm Phật, không biết làm lành tránh ác. . .
Hai vị Quốc Vương thấy nhân dân các nước lân bang cứ ưa chuộng sự tà mị như thế, động lòng thương xót, mới bàn cùng nhau tìm phương cách để cứu những kẻ ấy khỏi chịu qủa báo nghiệp dữ về sau.
Một vị phát nguyện rằng: “Tôi nguyện đời đời tu hành cầu đạo Bồ Đề cho mau thành Phật, để giáo hóa cứu độ vô số chúng sinh vào Niết Bàn, tôi mới yên tâm được”.
Một vị phát nguyện: “Tôi nguyện tu hạnh Bồ Tát, để độ tất cả chúng sinh khỏi khổ được vui, nếu tôi không độ hết thảy chúng sinh khỏi khổ và được giải thoát thì tôi thề chưa chịu thành Phật”.
Vị Vua thứ nhất phát nguyện sớm thành Phật để độ chúng sinh, tức là đức Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai đã thành Phật từ vô lượng kiếp rồi. Còn vị Vua thứ hai nguyện độ hết chúng sinh khỏi khổ được giải thoát xong mới chịu thành Phật, tức là Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương.
Vì lời thệ nguyện sâu nặng khó khăn như thế, nên đã trải qua vô lượng kiếp làm đại Bồ Tát, và còn tiếp tục vô lượng kiếp như thế nữa. Vì vậy, chúng ta nên tôn trọng kính lễ Ngài.
3)- Cũng theo quyển Phật A Di Đà và chư Bồ Tát (nhiều đời sau nữa):
Thời qúa khứ rất lâu xa, tiền thân của đức Địa Tạng là một trưởng giả có đức độ. Thời ấy có đức Phật hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Hạnh Như Lai. Một hôm, ông Trưởng giả tình cờ gặp Phật, thấy tướng tốt đẹp trang nghiêm, càng trông, ông lại càng cảm thấy tôn kính Phật. Ông bèn đến gần cúi đầu vái mà nói: “Thưa đức Thế Tôn, tôi thấy tướng Ngài rất đẹp đẽ nghiêm trang, càng ngó càng thấy tươi đẹp lạ thường, trên đời chẳng có ai được như Ngài. Nhưng tôi tự nghĩ rằng “có được qủa tốt, ắt phải có nhân lành”. Vậy chẳng rõ kiếp trước Ngài đã làm những hạnh nguyện gì mà nay được thân tướng tốt đẹp như thế? Xin Ngài nói cho tôi biết, thực ra tôi cũng ước ao muốn được cái hảo tướng như Ngài lắm”.
Phật Sư Tử Tấn Cụ Túc Hạnh thấy Trưởng giả có lòng muốn làm việc lành, nên Ngài bảo: “Trưởng giả, nếu ông muốn được kim thân diệu tướng, phải phát tâm tu hành vô lượng kiếp cầu đạo Bồ Đề, một lòng tinh tấn, hóa độ chúng sanh khỏi tội khổ báo được yên vui. Cái duyên phúc ấy sẽ cảm được cái hảo tướng như Ta chứ không khó”.
Trưởng giả nghe đức Phật dạy như vậy, liền qùy xuống phát nguyện: “Từ nay cho đến muôn đời vị lai, nếu có chúng sinh nào bị tội qủa báo, tôi dùng đủ thứ phương tiện làm cho được giải thoát tất cả, chừng ấy tôi mới thành Phật”.
Vì sự thề nguyện ấy, từ đấy đến nay trải qua vô số kiếp, Ngài thành Bồ Tát, hành đạo Bồ Tát cứu giúp vô lượng chúng sinh trong vô lượng kiếp, vẫn làm việc Phật sự của một vị Đại Bồ Tát., .
0 nhận xét:
Đăng nhận xét